Tên các hành tinh đã được đặt như thế nào theo phương Đông và phương Tây?


Ở phương Tây thời xa xưa người ta cho rằng những hành tinh của hệ Mặt Trời có liên quan tới vận mệnh của loài người. Điều này khiến họ liên tưởng tới các thần linh nên đã lấy tên các vị thần trong thần thoại Hy Lạp đặt tên cho các hành tinh. Người cổ Hy Lạp và cổ La Mã căn cứ vào những đặc điểm riêng của từng hành tinh để gán tên các vị thần cho chúng.

Thuỷ Tinh (Mercury) chuyển động nhanh nhất, lúc ẩn, lúc hiện, lại rất hay bị Mặt Trời che khuất nên rất khó quan sát. Người xưa lấy tên thần sứ giả của các thần, đi đôi dép có cánh, tên là Mercury trong thần thoại La Mã, hay Hermet trong thần thoại Hy Lạp để đặt tên cho hành tinh này.

Hành tinh được coi là đẹp nhất của hệ Mặt Trời là Kim tinh (Venus). Người xưa coi nó là biểu tượng của tình yêu và sắc đẹp. Vì vậy người xưa đã lấy tên thần Venus (thần Vệ Nữ) - thần tình yêu và sắc đẹp – trong thần thoại La Mã hay Aprodit trong thần thoại Hy Lạp để đặt tên cho Kim tinh. Còn ở Việt Nam, các bạn có biết ông cha ta gọi hành tinh này là gì không? Đó là sao Hôm và sao Mai trong câu ca dao:

Sao Hôm chênh chếch đàng Tây 
Sao Mai báo sáng bên này - đàng Đông.
Thực ra hai sao ấy chỉ là một thiên thể, đó là Kim tinh.

Khi quan sát người ta thấy Hoả tinh (Mars) có ánh sáng màu đỏ sẫm, màu của chiến tranh, vì vậy hành tinh này mang tên của vị thần chiến tranh Mars trong thần thoại La Mã hay Ares trong thần thoại Hy Lạp  .
Còn Mộc tinh (Jupiter) qua kính thiên văn lại rất xán lạn có dáng dấp nghiêm trang lẫm liệt. Vì vậy nên người xưa đã lấy tên của vị thần chúa tể của các vị thần trên ngọn núi Olympus là thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp hay thần Jupiter trong thần thoại La Mã đặt tên cho hành tinh này.

Thổ tinh (Saturn) phải mất tới 29 năm để đi hết một vòng trên nền trời sao, khiến người ta có liên tưởng tới sự trôi đi của thời gian. Vì vậy họ lấy tên của vị thần thời gian, mùa màng để đặt tên cho hành tinh này. Trong thần thoại La Mã vị thần này là Saturn nên hành tinh này cũng có tên là Saturn.

Đấy là cách đặt tên của người phương Tây, còn người phương Đông chúng ta thì sao?
Người phương Đông cho rằng vạn vật do 5 chất cơ bản tạo thành. Đó là Kim (kim loại), Mộc (cây cối), Thủy (nước), Hoả (lửa) và Thổ (đất). Sau khi phát hiện ra 5 hành tinh của hệ Mặt trời, người ta đã lấy tên của 5 chất cơ bản này để đặt tên cho các hành tinh đó.

Vì vậy ở Việt Nam chúng ta các hành tinh đó có tên là Thuỷ Tinh, Kim Tinh, Hoả Tinh, Mộc Tinh và Thổ Tinh như bạn đã thấy ở trên,

Năm 1781, nhà thiên văn người Anh Herschel đã phát hiện ra một hành tinh mới. Người ta quyết định tuân thủ truyền thống lấy tên các vị thần trong thần thoại Hy Lạp để đặt tên cho nó. Hành tinh này được mang tên vị thần Uranus ông nội của thần Zeus vĩ đại.
Người phương Đông gọi hành tinh này là Thiên Vương tinh.

Năm 1846, người ta lại tìm ra một hành tinh mới nữa. Qua kính thiên văn hành tinh này có màu xanh lam của biển cả, nên người ta lấy tên của thần biển Neptune đặt tên cho nó. Người phương Đông gọi là Hải Vương tinh..

Tới năm 1930 nhà thiên văn người Mỹ Tombaugh đã phát hiện ra hành tinh thứ 9 của hệ Mặt Trời. Đấy là hành tinh xa nhất, mà tối nhất khiến người ta liên tưởng tới địa ngục tối om đáng sợ. Người ta đã lấy tên vua địa ngục là Pluto đặt cho hành tinh này. Người phương Đông gọi hành tinh này là Diêm Vương Tinh...”


Chia sẻ bài viết

Author:

Mong rằng những bài viết được viết và tổng hợp trên blog này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn. Chúc một ngày vui vẻ !

0 Comments: