Tổng quan về chất thải rắn và tình hình quản lý chất thải rắn tại Việt Nam

Bài viết liên quan

Theo Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 04 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, chất thải rắn (CTR) là chất thải ở thể rắn hoặc sệt
(còn gọi là bùn thải) được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác.


Chất thải rắn có thể được chia thành ba loại chính:


Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2015, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 23 triệu tấn/năm, CTR công nghiệp khoảng 10 triệu tấn/năm. Con số này
tăng trung bình 8 - 10 % mỗi năm và riêng tại hai đô thị lớn là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị thải ra lên tới 6.000 tấn/ngày và 8.000 tấn/ngày.

Hiện nay, việc quản lý và xử lý CTR tại Việt Nam chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và chưa thu hồi năng lượng từ
xử lý chất thải, gây lãng phí nguồn tài nguyên và quỹ đất.


Đối với CTR công nghiệp thông thường, theo kết quả điều tra và ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp,
khu chế xuất, khu công nghệ cao (viết tắt là khu công nghiệp) vào khoảng 10 triệu tấn/năm chưa bao gồm CTR công nghiệp phát sinh từ các ngành công nghiệp khác như khai thác than, công nghiệp
nhiệt điện, công nghiệp rượu bia nước giải khát. Do chủ nguồn thải đã được xác định và có đăng ký với Khu công nghiệp nên công tác quản lý và xử lý CTR công nghiệp thông thường đạt tỷ lệ khá cao,
trên 90% tổng lượng CTR công nghiệp thông thường phát sinh.


Đối với CTR nguy hại, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lượng CTR nguy hại phát sinh trên toàn quốc khoảng 800 ngàn tấn/năm từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đăng ký và được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTR nguy hại và được quản lý chặt chẽ theo quy định hiện hành. Đến tháng 2/2017, toàn quốc có 102 cơ sở xử lý CTR nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.

Đối với CTR sinh hoạt, đây là nguồn thải chính trong tổng lượng thải CTR đô thị. Tuy nhiên tỉ lệ thu gom và xử lý CTR sinh hoạt tại đô thị trung bình là 85%, đạt khoảng 35.000 tấn/ngày vào năm
2015, con số này đến năm 2020 dự kiến là 47.500 tấn/ngày. Tại khu vực ngoại thành của các đô thị tỉ lệ thu gom trung bình đạt khoảng 60% so với lượng CTR sinh hoạt phát sinh. Con số này tại khu vực nông thôn còn thấp hơn nữa, chỉ đạt khoảng 40 – 55%.


Tại các đô thị, hoạt động thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt được thực hiện khá chuyên nghiệp và hoàn chỉnh. Dịch vụ được cung cấp chủ yếu bởi các công ty dịch vụ công ích (Công ty môi trường đô thị) và các doanh nghiệp tư nhân thực hiện.Đến cuối năm 2016, trong số 24 quận/huyện tại thành phố Hồ Chí Minh, lượng CTR sinh hoạt đô thị tại 22 quận được thu gom bởi các công ty tư nhân trong khi 2 quận còn lại được chia cho CITENCO và một Hợp tác xã. 
(Phỏng vấn Sở TN&MT thành phố HCM, 2016) 

Một bãi chôn lấp chất thải rắn ở Hà Nội

Đối với vấn đề xử lý CTR sinh hoạt, công nghệ xử lý được sử dụng chủ yếu hiện nay là hình thức chôn lấp, sản xuất phân hữu cơ và đốt. Đến năm 2015, Việt Nam có khoảng 660 bãi chôn lấp lớn hơn 1 ha với tổng diện tích khoảng 4.900 ha.Trong đó có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, chiếm 31%. Tỷ lệ bãi chôn lấp có diện tích trên 20ha khoảng 5,7%; bãi có diện tích lớn hơn 1ha là 59,3%; còn lại là các bãi chôn lấp có diện tích nhỏ.Một số cơ sở xử lý bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh hiện đang hoạt động như: Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước thuộc Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam; Khu xử lý chất thải Nam Sơn thuộc Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội…

Tuy nhiên, trên thực tế, tại nhiều cơ sở xử lý CTR bằng hình thức chôn lấp, quá trình kiểm soát ô nhiễm còn nhiều vấn đề và gây ảnh hưởng đến môi trường tại các đô thị lớn.
Đối với hình thức xử lý CTR bằng phương pháp đốt, các lò đốt chất thải hiện nay không được trang bị hệ thống thu hồi năng lượng và chỉ được sử dụng để xử lý CTR và làm giảm thể tích chất thải, VD: Cơ sở xử lý chất thải của Công ty Cổ phần Dịch vụ Môi trường Thăng Long có công suất 700 tấn/ngày, Hợp tác xã Thành Công, Công ty Tâm Sinh Nghĩa…. Ngoài ra, hiện cũng có 
khoảng hơn 100 lò đốt rác nhỏ với công suất dưới 500 kg/giờ được sử dụng ở khu vực nông thôn.


Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Khu liên hiệp Xử lý chất thải Nam Sơn

Tại Hà Nội, một nhà máy đốt CTR công nghiệp để phát điện với công suất 75 tấn/ngày và công suất thiết kế sản xuất điện là 1,93 MW đã xây dựng và khánh thành vào tháng 4/2017. Dự án do Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) làm chủ đầu tư, vận hành và do Tổ chức Phát triển Kỹ thuật Công nghiệp và Năng lượng mới (NEDO), Nhật Bản tài trợ. Tại TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Hitachi Zosen (Nhật Bản) đã đề xuất xây dựng nhà máy điện đốt CTR với công suất 600 tấn/ngày trong giai đoạn một và sẽ tăng công suất lên 1.000 tấn/ngày trong giai đoạn hai của dự án.

Liên quan đến thẩm quyền về quản lý CTR tại Việt Nam, theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ CTR công nghiệp
và chất thải nguy hại. Đối với chất thải rắn sinh hoạt, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên & Môi trường là hai cơ quan được phân công quản lý chất thải rắn:


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
• Hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị xác nhận, điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý CTR sinh hoạt;
• Hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ CTR sinh hoạt;
• Tổ chức thực hiện các nội dung về quản lý CTR sinh hoạt phục vụ công tác lập và triển khai quy hoạch bảo vệ môi 
trường theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo vệ môi trường;
• Tổ chức quản lý, kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường về quản lý CTR sinh hoạt.


Ngoài ra, Bộ Tài nguyên & Môi trường giữ vai trò hoạch định khung chính sách về quản lý chất thải, đồng thời cơ quan này còn thẩm định và phê quyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với
các dự án xử lý CTR mới.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm:
• Hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR sinh hoạt theo quy hoạch được phê duyệt;
• Phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTR sinh hoạt;
• Công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt;
• Suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR sinh hoạt.


Về giá dịch vụ xử lý chất thải, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 322/QĐ-BXD ngày 06/4/2012 về việc công bố suất vốn đầu tư xây dựng và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các cá nhân, tổ chức tham khảo trong quá trình đầu tư, vận hành cơ sở xử lý CTR sinh hoạt (chi phí xử lý CTR sinh hoạt áp dụng công nghệ đốt trung bình khoảng 400.000 VNĐ/tấn). Các dạng xử lý khác như chế biến phân vi sinh, viên nén nhiên liệu có chi phí thấp hơn.

Với định hướng nâng dần tỉ lệ phát điện từ đốt CTR trực tiếp, hạn chế và tiến tới loại bỏ phát điện từ đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn, Chính phủ khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến đốt chất thải rắn trực tiếp ít gây ô nhiễm môi trường. Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 32/2015/TT-BCT ngày 8/10/2015 yêu cầu EVN có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn nối lưới sử dụng công nghệ đốt trực tiếp với giá 2.114 đồng/kWh, tương đương 10,05 UScents/kWh (chưa bao gồm VAT).

Theo Dự thảo Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng CTR Quốc gia đến 2025, tầm nhìn đến 2035, từ công suất không đáng kể hiện nay công suất của các Dự án điện nối lưới từ CTR sẽ đạt 302 MW giai đoạn đến 2020, thêm 268 MW đến 2025 và thêm 861 MW đến 2035. Các nhà máy này đấu nối lên lưới điện khu vực với cấp điện áp 22kV, 35kV hoặc 110kV tùy theo công suất mỗi nhà máy.


Như vậy, việc phát triển các dự án phát điện sử dụng CTR là một định hướng đúng đắn trong việc tận dụng nguồn nhiên liệu chất thải rắn đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.



Chia sẻ bài viết

Author:

Mong rằng những bài viết được viết và tổng hợp trên blog này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn. Chúc một ngày vui vẻ !

0 comments: