Kỹ sư IT - Nghề HOT nhất trong bối cảnh doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số

Bài viết liên quan

Năm 2020 với nhiều biến động đã qua đi, chúng ta hãy cùng nhìn lại xem thị trường nhân sự IT có những biến chuyển gì nhé. Nhìn chung, doanh số, tốc độ tăng trưởng, cũng như nhu cầu tuyển dụng của các công ty trong ngành IT có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng trở lại sau đại dịch Covid-19.

Vẫn lấy ngành IT làm đầu tàu mũi nhọn cho sự phát triển của đất nước, sự khởi sắc của IT đem lại nhiều tín hiệu mừng cho nền kinh tế của đất nước cũng như sự lan tỏa tích cực đến các lĩnh vực và ngành nghề khác.

Ngành CNTT đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của chính phủ Việt Nam cũng như của các tập đoàn công nghệ nước ngoài (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Châu Âu), chính vì vậy mà doanh nghiệp cần cùng nhau chung tay để “xây tổ” cải tiến và thúc đẩy công nghệ để sẵn sàng cho những cuộc chuyển mình lớn trong tương lai.

Xu hướng doanh nghiệp ưu tiên tái đào tạo nhân viên
Ứng biến với dịch Covid-19, các doanh nghiệp cũng có những thay đổi trong kế hoạch tuyển dụng để phù hợp với ngân sách của công ty. Hơn 50% doanh nghiệp vẫn duy trì tuyển dụng, vì nhìn chung ngành IT không chịu sự biến động mạnh như các ngành nghề khác.

Dù vậy, vẫn có khoảng 10% doanh nghiệp buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn nhằm đảm bảo nguồn tài chính và sự sống còn của công ty.

Ngay sau đại dịch, một số vị trí nhận được sự ưu tiên trong công tác tuyển dụng. Có thể thấy, doanh nghiệp chú trọng những vị trí thuộc cấp quản lý, đáng chú ý là nhân lực có kinh nghiệm nhận được sự quan tâm rất chênh lệch so với Fresher (0-2 năm kinh nghiệm).

Không còn chú trọng nhiều đến việc liên tục tuyển ứng viên mới đặc biệt là Fresher, các doanh nghiệp có 2 xu hướng, một là tập trung tăng cường tuyển dụng những vị trí có nhiều kỹ năng và có tính chuyên môn cũng như kinh nghiệm cao hơn, hai là tận dụng nguồn nhân lực sẵn có cùng với các giải pháp đào tạo nội bộ để nâng cấp các nhân viên cứng của mình. 

Trong đó, upskill nhân viên hiện tại đang rất được cân nhắc với 26% người tham gia khảo sát chắc chắn lựa chọn, theo sau đó là re-skill với tỷ lệ lựa chọn chắc chắn thay đổi là 23%.

Ngoài ra còn có khái niệm rất mới mà một số doanh nghiệp đã cân nhắc, áp dụng với những dự án vừa và nhỏ, chính là Gig workers. 

Gig workers có thể hiểu là những nhân viên thời vụ, làm việc độc lập và ký biên bản thỏa thuận với doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ cho một số dự án nhất định.

Tiêu chuẩn tuyển dụng ngày càng khắt khe hơn
Có thời điểm, mức lương ở một số vị trí lên đến 130 triệu đồng nghĩa với nhu cầu tuyển dụng dần khắt khe hơn, nâng tiêu chuẩn ở các vị trí.

Ở thời điểm hiện tại, số lượng và nhu cầu về nhân sự IT vẫn luôn tăng trưởng. Dù bối cảnh có nhiều thay đổi, mức lương trung bình thị trường IT vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, thị trường dần có những sự chuyển dịch và phân hóa rõ ràng hơn ở các nhân sự IT có trình độ khác nhau. 

Điều này thể hiện rõ nhất ngay ở giai đoạn Covid-19, các nhân sự IT đa năng hơn, đáp ứng nhu cầu khắt khe hơn sẽ được trọng dụng với mức lương trung bình tăng nhanh hơn trung bình thị trường song song với nhu cầu tuyển dụng vị trí này cũng gia tăng đáng kể (hơn 20%) so với giai đoạn trước đó. 

Về phía ngược lại, các nhân sự IT thông thường có xu hướng giảm về mức lương trung bình cũng như nhu cầu tuyển dụng chững lại đáng kể.

Về khía cạnh tuyển dụng lập trình viên, các vị trí đang thuộc top nhu cầu mà doanh nghiệp tìm kiếm là: Full Stack Developer (lập trình viên đa năng, đảm nhận cả front-end và back-end) chiếm 71.5%, Back-end Developer (thiết kế công nghệ, cơ sở dữ liệu đằng sau sản phẩm) chiếm 65.1%, và Mobile Developer (Lập trình viên ứng dụng di động) chiếm 54.3%.

Mức lương trung bình cao nhất trong giới lập trình thuộc về vị trí CTO/CIO (lên đến 130 triệu đồng), người đảm nhận công việc quản lý, tối ưu công nghệ của doanh nghiệp. Công nghệ được trả lương cao nhất là Kubernetes (38 triệu đồng). 

Nhìn chung, so với năm 2019, không có sự tăng trưởng đột biến về mức lương trung bình cho các vị trí. Tuy nhiên, đối mặt với nhu cầu, đầu tư từ các doanh nghiệp lớn quốc tế, câu chuyện về phúc lợi và thu nhập của ngành lập trình sẽ luôn thay đổi và mang tính cạnh tranh hơn.

Nhiều làn sóng đầu tư công nghệ hướng đến Việt Nam 
Làn sóng dịch chuyển đầu tư là có thật, đơn cử là những động thái mở nhà máy và trung tâm nghiên cứu, tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam của những ông lớn công nghệ như HCL, Samsung, Apple, Qualcomm hay Panasonic,…

Tuy nhiên, để đón được các doanh lớn đầu tư  thì câu chuyện cơ sở hạ tầng tại Việt Nam luôn là một bài toán nan giải. Các khu công nghệ chưa được khai thác đúng mức trên vốn đầu tư, còn có nhiều cơ sở bỏ hoang; các công nghệ phụ trợ chỉ mới phù hợp chào đón các hãng vừa tầm và nhỏ. 

Ngoài ra phải kể đến khả năng chuyên môn còn chưa vững, còn thiếu về cả chất và lượng. Giải pháp sâu xa không chỉ về mặt nâng cao tay nghề, mà còn về mặt tư duy của lao động, thay đổi mindset để đóng góp vào sự phát triển của hãng.

Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam được nhận định sẽ sẵn sàng bật dậy sau dịch Covid-19. Theo nhận định của nhà kinh tế Edward Teather của UBS Research, “Nền kinh tế Việt Nam chịu một số tổn thương do tác động của dịch Covid-19, nhưng vẫn có triển vọng sáng nhất khu vực châu Á.

Doanh số bán lẻ, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam đều tăng trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng là tình hình Việt Nam tốt hơn hầu hết nền kinh tế châu Á khác.”

Tóm lại, đi cùng với những cơ hội lớn vẫn sẽ có những thách thức không hề đơn giản về sự thay đổi và phát triển. Đón nhận làn sóng đầu tư cũng là sự mở cửa cho những thay đổi mới, mà trong đó công nghệ sẽ là trợ thủ đắc lực, giúp Việt Nam vươn lên và nghề IT cũng sẽ được đánh giá cao hơn nữa.


Chia sẻ bài viết

Author:

Mong rằng những bài viết được viết và tổng hợp trên blog này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn. Chúc một ngày vui vẻ !

0 comments: