Tìm hiểu Serverless Computing - Mô hình giúp thiết lập không gian kỹ thuật số dễ dàng hơn bao giờ hết

Bài viết liên quan

Khi bước vào một thế giới kết nối ngày càng nhiều với Internet, chúng ta sẽ dần nhận thấy sự phát triển trong không gian kỹ thuật số, nơi giúp thiết lập và chạy các trang Web.

Một trong những cách để phát triển không gian này là “Serverless Computing”. Serverless Computing là phương tiện để các nhà phát triển thiết lập những dịch vụ dựa trên Web mà không gặp phải những khó khăn như khi chạy máy chủ.
 

Serverless computing là gì?
Serverless Computing là một mô hình thực thi điện toán đám mây mà trong đó các nhà cung cấp đám mây sẽ quản lý động việc phân bổ tài nguyên máy, giá cả của mô hình này dựa trên số lượng tài nguyên thực tế mà ứng dụng sử dụng thay vì phải trả trước một khoản nhất định trong một khoảng thời gian.

Ngoài ra, một Serverless Computing cũng có thể được hiểu là cách mà chúng ta xây dựng lên các ứng dụng khả dụng, sẵn sàng lắng nghe và phản ứng lại với các sự kiện được đưa ra bởi các dịch vụ (services).
 
Serverless Computing hoạt động như thế nào?
Serverless computing loại bỏ việc quản lý máy chủ khỏi người dùng. Có nghĩa là máy chủ phải tự tính toán các tham số như không gian lưu trữ và bộ nhớ (gọi là “Function-as-a-Service” hay “FaaS”).

Khi đám mây nhận được code để chạy từ người dùng, nó sẽ tính toán có bao nhiêu tài nguyên được yêu cầu cho việc này. Sau đó, đám mây sẽ nhìn vào các máy chủ của mình và xử lý các tài nguyên cần thiết để chạy tiến trình mà nó vừa được yêu cầu.

Máy chủ cũng cần nhận ra khi nào một tiến trình cần được tăng hoặc giảm quy mô. Nếu máy chủ lưu trữ một trang web “nhìn thấy” lượng khách truy cập, nó sẽ tự động điều chỉnh và gán thêm tài nguyên cho trang web này.

Khi luồng khách truy cập đó biến mất, máy chủ có thể sử dụng ít tài nguyên hơn để giữ cho trang web trực tuyến. Sau đó, nó tính toán có bao nhiêu tài nguyên đã được sử dụng trong một tháng và tính hóa đơn cho người dùng.
 
Cách sử dụng Serverless Computing
Thông thường, người dùng tương tác với serverless computing bằng console. Điều này cho phép người dùng thiết kế các chức năng mà họ muốn đám mây thực hiện. Sau đó, người dùng sẽ gọi chức năng này khi cần chạy dịch vụ và cho phép serverless computing xử lý phần còn lại.

Rất dễ dàng để người dùng tạo và chạy một chức năng nào đó. Rào cản lớn nhất là tìm ra cách sử dụng giao diện dịch vụ đã chọn để chạy một tiến trình nào đó. Sau khi hoàn thành, bạn có thể thực hiện tiến trình và để dịch vụ xử lý phần còn lại!
 
Ưu điểm của Serverless Computing
- Tối ưu chi phí: So với việc thuê server và trả tiền theo tháng hoặc theo năm thì Serverless lại tính phí theo thời gian và số lần gọi Function nên chi phí sẽ rẻ hơn. Bạn không cần phải trả thêm phí khi mà Server không hoạt động. Ngoài ra, so với việc tự xây dựng server, thì Serverless còn giảm rất nhiều các chi phí đi kèm như vận hành, bảo trì máy móc trang thiết bị,...

- Dễ dàng mở rộng quy mô: Khi số lượng request tới ứng dụng của bạn tăng cao, nếu thuê hoặc tự xây dựng server thì bạn sẽ phải nâng cấp chúng để đảm bảo tốc độ cho ứng dụng. Điều này sẽ tốn nhiều thời gian và nhân lực. Ngược lại, trong mô hình Serverless, các nhà cung cấp bên thứ ba sẽ tự lo liệu hết. Họ sẽ tự mở rộng thêm các tiến trình và tài nguyên để cân bằng tải khi có nhiều request.

- Triển khai đơn giản hơn: Bạn sẽ cần có kiến thức xây dựng, triển khai, cấu hình code lên server và bảo trì chúng trong mô hình client-server. Còn với Serverless, chỉ cần đẩy code lên, mọi việc còn lại đã có nhà cung cấp dịch vụ xử lý.

Như vậy, Serverless Computing là một giải pháp hiệu quả trong việc tối ưu tài nguyên điện toán đám mây được tiêu thụ. Đây không phải là một mô hình hoàn toàn khác biệt, nhưng nó chắc chắn sẽ được ứng dụng trong thời gian sắp tới, khi mà vấn đề về cải tiến công nghệ luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp.
Nguồn bài viết: Viettel IDC 


Chia sẻ bài viết

Author:

Mong rằng những bài viết được viết và tổng hợp trên blog này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn. Chúc một ngày vui vẻ !

0 comments: