Hàng năm có khoảng 370.000 tấn dầu nhớt được tung ra thị trường. 70% số đó sẽ biến thành dầu nhớt thải ra ngoài cùng nước thải phát sinh từ các khu vực khác nhau như: khu công nghệ, khu bồn chứa, phòng thí nghiệm… Một công nghệ xử lý hiện đại được áp dụng góp phần sản xuất dầu gốc từ dầu thải, giúp tiết kiệm kinh phí và bảo vệ môi trường.
Khi thải ra môi trường thì lượng kim loại trong dầu nhớt có thể phát tán, gây ra những hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người, tạo ra các vùng “đất chết”, vùng “nước chết”, các loại bệnh tật lây nhiễm cho cả người, gia súc và gia cầm.
Thực tế, từ lâu đã có nhiều nhóm đầu cơ chuyên thu gom dầu nhớt đã qua sử dụng trên thị trường. Sau khi thu gom, họ chưng cất sơ sài để giảm lượng tạp chất, rồi pha hóa chất đặc trưng để giả dầu nhớt chưa qua sử dụng và đưa ngược trở lại thị trường tiêu thụ. Hành vi này rất nguy hại cho môi trường vì không thông qua bất cứ nhà máy xử lý nào, lượng chất thải rắn, khí nguy hại cứ xả thẳng vào môi trường.
Chính vì thế, năm 2010, dự án VN Oil xây dựng nhà máy xử lý dầu nhờn thải và sản xuất thành dầu gốc chuẩn API II theo công nghệ Hydrotreating (CEP) đầu tiên của Việt Nam cũng như đầu tiên ở Đông Nam Á. VN Oil đáp ứng đồng thời hai tiêu chí: bảo vệ môi trường qua việc xử lý dầu nhớt thải và ứng dụng công nghệ cao để sản xuất dầu gốc API II, tiết kiệm một khoản không nhỏ ngoại tệ cho Việt Nam để nhập dầu gốc hàng năm.
Với tổng diện tích 5ha tại khu Công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè, TPHCM có công suất xử lý 62.000 tấn dầu thải/ năm và sản xuất 45.000 tấn dầu gốc API II/năm. Với công suất hiện nay, nhà máy chỉ mới chỉ xử lý được 15% lượng dầu thải của cả nước. Mặc dù vậy nhà máy cũng đã góp phần không nhỏ trong vấn đề giải quyết nhiễm môi trường. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu quy trình công nghệ xử lý dầu nhờn thải và sản xuất dầu gốc API nhóm II theo tiêu chuẩn CEP đang được nhà máy này áp dụng:
Quy trình gồm hai giai đoạn: giai đoạn xử lý dầu nhờn thải (front end) và sản xuất dầu gốc API nhóm II (back end).
I. Xử lý dầu nhờn thải (CEP “Front End” Process)
Giai đoạn xử lý dầu nhờn thải gồm 5 bước:
- Bước đầu tiên trong quy trình công nghệ là phân tích, lựa chọn và phân loại nguồn nguyên liệu đầu vào, không chấp nhận nguồn nguyên liệu có chứa hàm lượng Polychlorinated Biphenyls (PCBs) và dầu mỡ động thực vật.
- Bước thứ hai của quy trình là xử lý hóa học (sử dụng NaOH) để làm giảm hàm lượng cặn bám trong các thiết bị công nghệ.
- Bước thứ ba là loại bỏ thành phần nước và hydrocacbon nhẹ (nhiên liệu) bị lẫn trong dầu nhờn thải được tạo ra trong quá trình hoạt động của động cơ, nhiên liệu này được sử dụng làm nhiên liệu đốt cho nhà máy.
- Bước thứ tư là khử các chất ức chế xúc tác để bảo vệ xúc tác của quá trình hydrotreating khi nguyên liệu được đưa đến cụm hydrotreating.
- Bước thứ năm là tách phân đoạn dầu gốc ra khỏi các chất phụ gia và các hydrocacbon có nhiệt độ sôi cao bằng thiết bị bay hơi màng mỏng (Wiped Film Evaporator). Đây là thiết bị tiên tiến nhất trong dòng thiết bị chưng cất chân không hiện nay.
II. Sản xuất dầu gốc (CEP “Back End” Process)
Giai đoạn sản xuất dầu gốc API nhóm II gồm 2 bước công nghệ cuối trong quy trình công nghệ:
- Bước thứ sáu: dầu gốc sau khi đã tách các chất phụ gia và hydrocacbon có nhiệt độ sôi cao sẽ được đưa qua cụm hydrotreating (xử lý bằng hydro ở áp suất cao và có sử dụng xúc tác) để làm giảm hàm lượng lưu huỳnh trong dầu gốc xuống dưới 300 ppm đồng thời làm tăng lượng hydrocacbon bão hòa cao hơn 90% để đạt tiêu chuẩn dầu gốc nhóm II theo phân loại của Viện dầu mỏ Hoa Kỳ.
- Bước cuối cùng: chưng cất chân không để thu hồi các phân đoạn dầu gốc bao gồm dầu gốc trung tính nhẹ (150N) và dầu gốc trung tính nặng (450N)
0 comments: