Rừng và một số chức năng của rừng trong việc điều hòa khí hậu và duy trì vòng tuần hoàn của nước

Bài viết liên quan

Trong số các chức năng của mình, rừng có một chức năng tương tự như tuyến mồ hôi của con người đối với hệ sinh thái và hệ sinh vật trái đất. Cây hút nước từ sâu trong lòng đất và đưa lên lá của mình. Tất cả các loại cây đều có các khe nhỏ trên mô lá, chúng mở ra và đóng lại để kiểm soát các quá trình như nhả CO2 và hơi nước ra ngoài không khí.

Lượng nước bốc hơi qua các khu rừng thậm chí lớn hơn lượng nước của tất cả các con sông trên thế giới cộng lại, giúp làm giảm một lượng nhiệt lớn của môi trường, nó đóng vai trò như 1 cỗ máy tản nhiệt khổng lồ của hệ sinh thái và hệ sinh vật trái đất. Ở những khu vực cách xa biển nhất, phần lớn lượng mưa được hình thành từ chính nguồn hơi nước này được “bơm” lên bởi các khu rừng.

Không khí được làm mát nhờ lượng nước do các khu rừng điều hòa sẽ giúp cho áp suất khí quyển giảm, góp phần đáng kể cho việc điều hòa khí hậu ở các lục địa bên cạnh nguồn hơi nước được thổi đến từ bề mặt các đại dương. Ngoài ra, lượng hơi nước được các khu rừng đưa lên không trung cũng giúp cho các cơn mưa rơi được xuống mặt đất. Bởi nếu không có chúng, phần lớn các cơn mưa ở đất liền sẽ bị không khí nóng xua tan trước khi rơi được xuống mặt đất, và thay vì mưa rơi ở đất liền, chúng sẽ rơi xuống đại dương. Bên cạnh đó, những đám mây hình thành do hơi nước bốc lên từ rừng giúp dội lại 1 lượng lớn ánh sáng mặt trời cùng sức nóng của nó lên khỏi bề mặt Trái đất, khiến khí hậu Trái đất trở nên mát mẻ hơn.

Do có thể điều tiết nhiệt độ nhờ vào khả năng luân chuyển nước, rừng có chức năng làm dịu đi sự khắc nghiệt của cái nóng và lạnh trên các lục địa, trong 1 mối quan hệ tổng thể của Trái đất, rừng còn điều hòa cả nhiệt độ trên các đại dương - vốn là thứ nuôi sống khoảng 70% sinh vật trên Trái đất. Điều này là do các khu rừng nắm 1 vai trò quan trọng trong chu trình tuần hoàn của nước, rừng giữ nước trong đất, và 70% thành phần trong cơ thể các sinh vật của rừng cũng chính là nước.
Nếu không có những sinh vật đó, cũng như không có rừng, thì sự thay đổi nhiệt độ liên tục, hay mức chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm sẽ trở nên không thể chịu đựng nổi, giống như ở các sa mạc.

Lượng nước mà rừng mưa nhiệt đới Amazon đưa lên từ đất và bay hơi qua lá cây là khoảng hai mươi nghìn tỷ pound nước mỗi ngày, nhiều hơn gần 20% lượng nước mà sông Amazon đổ vào đại dương hàng ngày. Sự bay hơi qua lá cây của mỗi kg nước sẽ làm giảm 540 kcal hoặc khoảng 2.260 kg nhiệt từ môi trường. Nếu quy đổi khả năng tản nhiệt này ra năng suất, thì sự bay hơi của hai mươi nghìn tỷ pound nước qua từ Rừng Amazon tương đương với 45,200 nghìn tỷ kJ/ngày, quy đổi ra kWh sẽ tương đương với khoảng 12,500 tỷ kWh/ngày. Nhà máy thủy điện Itaipu, một trong những nhà máy có công suất lớn nhất thế giới, cũng chỉ sản xuất được khoảng 90 tỷ kWh/năm, nghĩa là sản lượng một năm của nhà máy này ít hơn 140 lần so với lượng năng lượng cần có để làm bốc hơi lượng nước mà một khu rừng có thể làm bay hơi trong vòng một ngày. Và lượng nước mà khu rừng Amazon có thể làm bay hơi chỉ trong một ngày đó tương đương với 140 x 365 = 51,100 nhà máy Itaipu hoạt động hết công suất, với các turbin chạy liên tục không ngừng nghỉ. Vì vậy, việc con người có ý thức được tầm quan trọng này của rừng hay không, là yếu tố sống còn quyết định sự tồn vong của chính loài người.

Nhà máy Itaipu có giá trị ước tính khoảng 60 tỷ USD. Chúng tôi biết rằng ngay cả khi chúng ta có đủ tiền, việc xây dựng hơn 50.000 nhà máy Itaipu là không khả thi. Thêm vào đó, khi chúng ta xây 1 loạt nhà máy thủy điện, điều kiện lượng nước cũng như tốc độ dòng nước chảy ở các đập sẽ khác nhau, điều kiện này ở các đập sau sẽ không tốt bằng các đập trước, vì thế chi phí của các nhà máy thủy điện xây sau sẽ cao hơn chi phí của các nhà máy trước đó.

Trong hai đoạn trên, chúng ta mới minh họa 1 phần chức năng của Rừng Amazon là cung cấp hơi nước ra ngoài không khí, làm mát và giữ cho khí hậu ở khu vực phía nam và đông nam của Brazil ẩm ướt và không bị khô hạn. Chúng ta còn chưa tính đến các chức năng khác của rừng như bơm nước từ lòng đất lên, duy trì sự đa dạng của hệ sinh thái khổng lồ của Amazon, duy trì sự màu mỡ của đất, và rất nhiều những chức năng khác mà con người đã biết hoặc chưa biết đến, những chức năng không kém phần quan trọng đối với sự sống của chúng ta và cả những sinh vật khác trên Trái đất.

Thực tế cho thấy con người đã đánh giá quá thấp vai trò của tự nhiên đến môi trường sống trên Trái đất. Thực tế cũng cho thấy con người hiện nay thật ngớ ngẩn khi tự cho rằng mình có thể làm thay Chúa trời hay Thiên nhiên trong các lĩnh vực phức tạp nhất mà con người đang nhúng tay vào như nông nghiệp, môi trường và y học.

Ở những trang trước, các bức ảnh của NASA cho thấy sự cần thiết của hoạt động cung cấp hơi nước của rừng ở lục địa Nam Mỹ. Hoạt động này diễn ra trong mùa khô, khi đó khu vực Amazon hoàn toàn không lấy độ ẩm từ đại dương, những đám mây hoàn toàn được hình thành bởi hơi nước bốc lên từ rừng. Phía nam và đông nam của Brazil sẽ trở thành sa mạc nếu không có chức năng hữu cơ này của rừng Amazon.

Vì thế, sự phát triển ồ ạt của các đô thị với khối lượng kiến trúc xây dựng nhân tạo lớn hơn nhiều diện tích cây xanh đã gây ra sự nóng lên của môi trường và tần suất ngày càng tăng của những đợt nóng đỉnh điểm. Nghiêm trọng hơn nữa là cách thức canh tác nông nghiệp phản tự nhiên đang đẩy thiên nhiên và con người ra khỏi vành đai an toàn của sự sống trên hành tinh này.

Trích trong Agroforesting the World Namaste do team Vườn rừng sinh thái - Permaculture biên dịch sang tiếng Việt


Chia sẻ bài viết

Author:

Mong rằng những bài viết được viết và tổng hợp trên blog này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn. Chúc một ngày vui vẻ !

0 comments: