Khả năng sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng tại Việt Nam

Bài viết liên quan

Tình hình nghiên cứu vật liệu thay thế amiăng trong sản xuất tấm lợp tại Việt Nam
Việc nghiên cứu vật liệu thay thế amiăng trong sản xuất tấm lợp tại Việt Nam được bắt đầu từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 115/2001/QĐ-TTg vào năm 2001. Một số cơ quan nghiên cứu như Viện Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng, Viện Công nghệ - Bộ Công Thương đã tiến hành một số để tài dự án cấp Bộ và cấp Nhà nước nhằm tìm kiếm công nghệ và vật liệu thay thế amiăng trong sản xuất tấm lợp. Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ - Bộ Công Thương đã thành công trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất trên qui mô công nghiệp vào năm 2007. Kết quả nghiên cứu này cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN cấp Bảng Độc quyền sáng chế "Qui trình và dây chuyển thiết bị sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng" số 8375 ngày 12/4/2010.


Sản phẩm tấm lợp không amiăng được cấu thành bởi khá nhiều vật liệu như xi măng, sợi PVA, bột giấy, bụi silica và một số phụ gia khác với công nghệ sản xuất khá phức tạp. Trong đó, sợi amiăng thường được thay thế bằng loại sợi nhân tạo PVA (Polyvinil Alcohol). Ngoài sợi PVA, cũng đã có một số loại sợi khác được nghiên cứu sử dụng thay thế nhằm tăng chất lượng, giảm giá thành của sản phẩm như sợi PP, PVC, PAN... Các loại sợi thay thế này đều không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và đã được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm thông thường trong ngành may mặc, giầy dép, túi xách tay, mũ bảo hiểm cho người đi xe máy. Bản chất sự an toàn này nằm ở chỗ các loại sợi được sử dụng thay thế amiăng trong sản xuất tấm lợp đều là sợi nhân tạo, có đường kính khá lớn (trên 10 um), chiều dài từ 3 - 6mm và rất bền, khó bị phân tách khi sản xuất nên không thể đi vào hệ thống hô hấp của con người như trường hợp sợi amiăng.

Trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều cơ hội thuận lợi để chuyển đổi, thay thế việc sử dụng amiăng trong sản xuất tấm lợp từ sau năm 2001. Nhà nước đã có chính sách và sự hỗ trợ trong việc nghiên cứu vật liệu thay thế amiăng trong sản xuất tấm lợp bảo chất lượng tốt, đầu tư máy móc thiết bị, thông qua các đề tài, dự án cấp Nhà nước quy trình công nghệ phù hợp và chú trọng được giao cho các cơ quan nghiên cứu có đào tạo bồi dưỡng nhân lực kinh nghiệm. Mặt khác, một số Bộ, ngành quản lý nhà nước, một số tổ chức phi chính phủ đã bắt tay vào nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tác hại và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng amiăng trong sản xuất... từ khá sớm. Về mặt thị trường, nhu cầu về sản phẩm không chứa amiăng trên thị trường nội địa và quốc tế gia tăng do quan ngại hậu quả xấu của amiăng đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm không chứa amiăng vẫn gặp nhiều thách thức không nhỏ. Các chính sách của Nhà nước chưa cụ thể nên chưa tạo ra được động lực cho các doanh nghiệp đã và sẽ chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm không amiăng. Công tác nghiên cứu, triển khai sản xuất các sản phẩm không amiăng vẫn chưa được chú trọng dùng mức, các nghiên cứu dài hơi, có hệ thống mới chỉ được triển khai chủ yếu ở Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ. Thông tin về sản phẩm không amiăng hiện còn rất thiếu rõ ràng (về độ bền, khả năng tiếp nhận công nghệ, giá thành sản phẩm...), thiếu sự phối hợp thông tin giữa các đơn vị nghiên cứu và đơn vị quản lý, người làm chính sách, dự luận xã hội...

Khả năng thay thế amiăng trong sản xuất tấm lợp tại Việt Nam 
Đứng về mặt công nghệ, việc sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng phức tạp hơn so với công nghệ cũ, đòi hỏi đầu tư thiết bị và quy trình công nghệ. Kinh phí đầu tư thêm trang thiết bị để hoán cải dậy chuyển cũ sang dây chuyền mới chiếm khoảng 20- 30% tổng giá trị dây chuyền. Muốn chuyển đổi thành công sang sản xuất sản phẩm không chứa amiăng, nhà sản xuất cần sử dụng nguyên vật liệu đảm chất lượng tốt, đầu tư máy móc thiết bị, quy trình công nghệ phù hợp và chú trọng bồi dưỡng đào tạo nhân lực.

Ngay từ 2002, sau khi Quyết định 115/2001/QĐ-TTg được ban hành, Viện Công nghệ - Bộ Công Thương đã triển khai đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng”. Từ đó, đã liên tiếp triển khai hàng loạt đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước để hoàn thiện công nghệ và thiết bị cho sản xuất sản phẩm không amiăng. Từ 2003 - 2005, triển khai đề tài cấp Nhà nước KC.06.15 “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng". Kết quả là năm 2007, Viện Công nghệ đã thiết kế, chế tạo và vận hành dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng đầu tiên tại Công ty CP Tân Thuận Cường, tỉnh Hải Dương. Từ năm 2012 đến tháng 6/2014 triển khai Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước "Hoàn thiện công nghệ chế tạo dây chuyền sản xuất tấm sóng, tấm phẳng không amiăng công suất 3 triệu m2/năm.



Sản phẩm tấm lợp không amiăng của Công ty CP Tân Thuận Cường đã đạt tiêu chuẩn Nhật Bản JIS A 5430:2004 và từ năm 2008 đến nay đã được xuất khẩu thường xuyên sang Hàn Quốc và các quốc gia khác.

Nhiều nước trên thế giới như Lào, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Sry Lanka, Iran, Uzbekistan... đã học hỏi và áp dụng kinh nghiệm này của Việt Nam. Hiện nhóm chuyên gia nghiên cứu của Bộ Công Thương vẫn đang tiến hành tư vấn công nghệ cho các nước này. Đó cũng là một sự khích lệ rất lớn để Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và phát triển sản xuất tấm lợp không amiăng.

TS. ĐỖ QUỐC QUANG
(nguyên Viện phó Viện Công nghệ, Bộ Công Thương)


Chia sẻ bài viết

Author:

Mong rằng những bài viết được viết và tổng hợp trên blog này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn. Chúc một ngày vui vẻ !

0 comments: