Tiềm năng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại Việt Nam

Bài viết liên quan

Việt Nam là một nước có tiềm năng lớn để phát triển các hệ thống ĐMTMN. Tại Việt Nam, mức bức xạ mặt trời trung bình được tạo ra ở hầu hết các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ là 4-5 kWh/m2/ngày. Con số này thấp hơn một chút ở các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ và cao nhất ở một số vùng thuộc khu vực Nam Bộ (lên tới 5,5 kWh/m2/ngày) (xem Hình 1). Đối với sản lượng thực tế có thể đạt được tại các hệ thống ĐMTMN, mức bức xạ mặt trời này tương ứng khoảng 900–1.100 kWh điện mặt trời trên một ki-lô-oát công suất lắp đặt của hệ thống (kWh/kWp) tại miền Bắc, 1.100–1.400 kWh/kWp tại miền Trung và 1.400–1.600 kWh/kWp miền Nam của Việt Nam. Các mức bức xạ mặt trời này có thể so sánh với phần còn lại của khu vực ASEAN và các thị trường năng điện mặt trời đã có truyền thống như Tây Ban Nha và California.

Khi so sánh với Đức - một trong những thị trường điện mặt trời mái nhà lớn nhất trên thế giới với hơn 1,5 triệu hệ thống điện mặt trời mái nhà đang hoạt động và có sản lượng hệ thống trung bình hàng năm đạt 950 kWh/kWp, có thể thấy rằng nhìn chung, không có vùng nào ở Việt Nam “không có đủ ánh nắng mặt trời” để vận hành được một hệ thống điện mặt trời. Kể cả ở miền Bắc, một hệ thống ĐMTMN được thiết kế chuẩn và hoạt động hiệu quả có thể giảm nhu cầu sử dụng năng lượng của một tòa nhà hoặc một cơ sở công nghiệp một cách hiệu quả, qua đó tiết kiệm chi phí dành cho năng lượng.
Câu hỏi liên quan tới tính khả thi về mặt tài chính của việc đầu tư một hệ thống ĐMTMN phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên cạnh sự sẵn có của nguồn năng lượng mặt trời: nhu cầu sử dụng điện của nhà đầu tư hoặc người mua điện mặt trời, giá điện trên một đơn vị điện năng và sự tăng giá điện dự tính trong thời kỳ đầu tư, giá bán điện mặt trời dư thừa được phát trên lưới điện (Giá điện nối lưới, FIT), chi phí đầu tư cho bản thân hệ thống ĐMTMN cũng như chi phí và chất lượng vận hành, bảo trì trong suốt vòng đời của hệ thống ĐMTMN. Những vấn đề này phải được giải quyết trong những giai đoạn đầu khi xây dựng một dự án ĐMTMN .

Tiềm năng chung về thị trường dành cho ĐMTMN tại Việt Nam vẫn chưa được đánh giá đầy đủ và chi tiết. Nói vậy có nghĩa là có nhiều dấu hiệu cho thấy tiềm năng này là rất lớn. Việt Nam có rất nhiều công xưởng cỡ vừa tại các nhà máy đang được xây dựng trong các khu công nghiệp quanh những thành phố lớn nhất; các cơ sở công nghiệp đang phát triển này cho thấy tiềm năng đáng kể về không gian dành cho các hệ thống ĐMTMN cũng như nhà ở của người mua điện tiềm năng. Ngoài ra, các trung tâm đô thị của Việt Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Đà Nẵng cũng cho thấy tiềm năng ngày càng lớn dành cho điện mặt trời mái nhà với số lượng cửa hàng, siêu thị, kho bãi, tòa nhà văn phòng và chung cư gia tăng đều đặn. Một dự án nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới ước tính tiềm năng điện mặt trời mái nhà tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ lên đến 6.400 MW và tại thành phố Đà Nẵng sẽ lên đến 1.100 MW. Đối với toàn bộ Việt Nam, có thể giả định tiềm năng ĐMTMN của cả đất nước lớn gấp nhiều lần tiềm năng của hai thành phố gộp lại.

Đối với nhu cầu về ĐMTMN, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hiện tại cho giai đoạn 2016-2030 (QHĐ VII điều chỉnh) dự kiến tăng trưởng về nhu cầu sử dụng điện của cả nước là 8-9% cho giai đoạn 2021-2025 và 6-8% (vẫn là một con số đáng kể) cho giai đoạn 2026-2030. Điều này có nghĩa là hàng ngàn MW công suất điện mỗi năm phải được tạo ra và nối lưới để phục vụ nhu cầu sử dụng điện đang tăng trưởng nhanh chóng này. Trong suốt giai đoạn mà nhu cầu ngày càng gia tăng này, Việt Nam đã cam kết thực hiện các thỏa thuận quốc tế về cắt giảm phát thải khí nhà kính nhằm làm chậm lại
quá trình biến đổi khí hậu và đã đưa ra Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm giúp nền kinh tế của đất nước phát triển bền vững hơn. Do đó, có thể khẳng định nỗ lực thúc đẩy phát triển các nguồn điện sạch trong toàn hệ thống chính trị tại Việt Nam là rất rõ rệt.

Ngoài ra, khách hàng cũng đang ngày càng quan tâm tới việc khai thác lợi ích của các hệ thống ĐMTMN và một lĩnh vực gồm các công ty dịch vụ năng lượng tư nhân mới nổi. Khách hàng thương mại và công nghiệp đang ngày càng mong muốn hợp tác với các nhà đầu tư nhằm lắp đặt các hệ thống ĐMTMN, qua đó khai thác hiệu quả những phần không gian mái rộng lớn chưa được sử dụng và đáp ứng các mục tiêu của doanh nghiệp. Hợp đồng mua bán điện tư nhân, được hiểu là một nhà đầu tư thuộc bên thứ ba xây dựng và vận hành hệ thống ĐMTMN trên mái tòa nhà của một cơ sở sản xuất hoặc tòa nhà thương mại và bán điện mặt trời cho chủ sở hữu tòa nhà theo một hợp đồng dài hạn, được coi là một giải pháp hấp dẫn dành cho các công ty trên toàn cầu bên cạnh các mô hình khác (vd: theo dạng cho thuê).

Có thể giải thích về nhu cầu đối với ĐMTMN bằng hai lý do đơn giản sau:
Công nghệ điện mặt trời có chi phí thấp và chi phí đầu tư cho các hệ thống áp mái đang tiếp tục giảm dần. Trong vòng 10 năm qua, chi phí của các mô-đun điện mặt trời, yếu tố chính trong hệ thống ĐMTMN, đã giảm hơn 80% và được kì vọng sẽ còn tụt sâu hơn. 

Hiện nay, hệ thống ĐMTMN đã hoàn toàn mang tính thương mại và trở thành một giải pháp kinh doanh phổ biến đối với các khách hàng công nghiệp, thương mại và hộ gia đình ở hầu hết mọi thị trường.
Đây là tình hình đang diễn ra tại Việt Nam khi Chính phủ đã ban hành một khung hỗ trợ hấp dẫn cho việc đầu tư vào các hệ thống ĐMTMN. 


Chia sẻ bài viết

Author:

Mong rằng những bài viết được viết và tổng hợp trên blog này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn. Chúc một ngày vui vẻ !

0 comments: