Bã mía - nguồn năng lượng chưa khai thác hết

Bài viết liên quan

Việt Nam có nguồn dự trữ bã mía rất lớn. Đây là nguồn nguyên liệu để sản xuất điện. Tuy nhiên, thực tế việc tận dụng bã mía để sản xuất điện còn rất hạn chế.

Đây là những vấn đề được đưa ra tại Hội thảo Nhà đầu tư về “Các cơ hội đầu tư vào Dự án đồng phát năng lượng từ ngành mía đường Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (4E) cùng phối hợp với Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu và Hiệp hội mía đường Việt Nam tổ chức dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), Văn phòng Biến đổi Khí hậu Toàn cầu thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong khuôn khổ Chương trình Sẵn sàng Tài chính Khí hậu (CF Ready) tại Việt Nam.


Giá thành điện năng từ bã mía còn thấp
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, điện bã mía của các nhà máy đường là năng lượng tái tạo từ các nhà máy đường, ngoài khả năng cung cấp cho sản xuất đường, tiêu dùng nội bộ còn bán điện nối lưới quốc gia. Với 41 nhà máy đường mía vụ 2016-2017: công suất lắp đặt đạt 477,2 MW nhưng công suất nối lưới mới có 99.8 MW (chỉ 8 nhà máy). Các nhà máy đã đưa điện nối lưới: Lam Sơn, Nghệ An (NASU), KCP Phú Yên, Khánh Hòa, TTC Gia Lai, BHS Ninh Hòa, TTC Tây Ninh, Sóc Trăng.

Bên cạnh đó, mặc dù có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất điện nhưng giá thành điện năng từ bã mía còn thấp. Theo ông Phạm Ngọc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, “hiện giá năng lượng từ bã mía (đồng phát năng lượng) theo quy định chỉ vào 5,8Cent/kWh trong khi giá năng lượng sinh khối (năng lượng từ trấu, biogas…), quy định được mua với giá trên 7Cent/kWh. Ví dụ nhà máy đường An Khê nếu đầu tư dự án để phát điện thì mất 20 năm mới có thể thu hồi vốn còn nếu bán bã mía tính ra còn được giá cao hơn đầu tư vào phát điện. Để khuyến khích đầu tư các dự án phát triển năng lượng từ bã mía Chính phủ cần điều chỉnh chính sách giá. Chúng tôi chỉ mong muốn giá năng lượng từ bã mía ngang bằng giá năng lượng sinh khối”.

“Tỷ trọng sản lượng điện của Việt Nam chủ yếu ở các nhà máy thủy điện, vào mùa khô công suất phát điện của các nhà máy thủy điện xuống thấp nhưng đây lại là thời điểm sản xuất của các nhà máy đường. Do vậy nếu chúng ta có một chính sách về giá điện hợp lý cho các dự án năng lượng từ bã mía thì đây sẽ là cơ hội để thị trường năng lượng sinh khối của Việt Nam phát triển, góp phần vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, ông Doanh cho biết.

Hiện ngành mía đường Việt Nam đang xây dựng đề án tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; thực hiện cơ cấu lại và đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía trong ngành mía đường. Nếu có giải pháp đồng bộ thực hiện tái cơ cấu hiệu quả thì đến năm 2030 sản lượng mía cả nước có thể sản xuất được 40 triệu tấn mía, khoảng 4,5 triệu tấn đường; điện năng sản xuất từ bã mía có thể đạt 4,7 triệu MWh, tương ứng công suất phát điện 1.600 MW và lượng điện thương phẩm lên lưới có thể thể đạt 50 – 60% (trên 2,8 triệu MWh), tương đương công suất đấu nối vào điện quốc gia là 900MW. Đây là tiềm năng to lớn để Việt Nam có thêm các nguồn năng lượng sạch.

Cơ hội cho các nhà đầu tư
Trong Chương trình sẵn sàng tài chính khí hậu (CF Ready) tại Việt Nam và các hoạt động nhằm hỗ trợ quá trình đầu tư vào các dự án đồng phát điện (CHP) sử dụng bã mía của các nhà máy đường thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng do Bộ Công Thương phối hợp với GIZ triển khai, thực hiện, vừa qua có năm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về các dự án năng lượng trong ngành mía đường.

Bà Sonia Lioret, Trưởng dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng khẳng định: Ngành mía đường Việt Nam hiện đang ở giai đoạn giao thời, môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, trong bối cảnh các rào cản về thuế quan trong khu vực ASEAN đang được giảm trừ. Các nước sản xuất đường hàng đầu trên thế giới, Thái Lan và Việt Nam đều có ngành công nghiệp mía đường phát triển mạnh mẽ, trước hết đó là nhờ vào sự đầu tư khá tích cực vào các nhà máy sản xuất điện từ bã mía, vốn đem lại nguồn thu thêm cho các nhà máy này, và giúp giảm thiểu các nguy cơ kinh doanh trên thị trường quốc tế.

”Những nhà máy sản xuất đường đã đầu tư vào quá trình này từ trước, và hiện nay một số các nhà máy tiếp tục đầu tư. Các tập đoàn lớn thường là đơn vị đầu tư trước tiên. Đây là xu hướng chúng tôi tin rằng sẽ tiếp tục trong thời gian tới”, bà Sonia Lioret nói.

Bên cạnh đó, ngành mía đường Việt Nam đang chuẩn bị phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ, khi các nước ASEAN theo các thỏa thuận về thương mại trong khu vực, sẽ giảm thuế nhập khẩu đường. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp mía đường đang tìm cách ứng dụng những công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất và tìm những nguồn doanh thu bổ sung, trong đó có nguồn thu từ bán điện thừa lên lưới quốc gia.

Cũng theo bà Sonia Lioret, từ những báo cáo tiền khả thi này, các nhà máy đường có thể hình dung được một bức tranh thực tế về các cơ hội đầu tư. Trong quá trình thực hiện báo cáo, công ty tư vấn cũng được đào tạo thêm về cách thức triển khai dự án nghiên cứu tiền khả thi cho các dự án đồng phát năng lượng trong ngành mía đường.

Ông Adam Ward, Đại diện Quốc gia - Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu tại Việt Nam cho biết: ”Việt Nam đã đặt mục tiêu tới 2030 có 2% điện được cung cấp từ nguồn điện sinh khối mà điều này chỉ có thể đạt được thông qua sự tham gia của khu vực tài chính tư nhân. Đó là lý do tại sao diễn đàn các nhà đầu tư ngày hôm nay là vô cùng quan trọng. Đây cũng là một cơ hội để các công ty mía đường và các tổ chức tài chính có thể hiểu được nhu cầu của nhau - chỉ khi đó chúng ta mới có thể thấy những dòng tài chính cần thiết cho năng lượng tái tạo cũng như để Việt Nam đạt được các mục tiêu này”.

Theo nghiên cứu của GIZ, hiện nay, tổng công suất lắp đặt của các dự án năng lượng dùng bã mía tại 11 nhà máy đường đạt mức 351.6 Megawatt (MW), trong số đó tính đến đầu năm 2017 có 99.9MW đang được nối lưới và được hưởng giá mua điện FIT ở mức 5,8 cent USD/kWh cho các dự án sinh khối đồng phát nhiệt điện. Tiềm năng kỹ thuật về sản lượng điện của ngành mía đường ước tính vào khoảng hơn 2,3 triệu MWh, tương đương với lượng điện tiêu thụ hàng năm của 450.000 hộ gia đình tại Việt Nam.

”Mục tiêu hỗ trợ của GIZ trước tiên là tăng sản lượng của các nhà máy sản xuất điện từ nguồn sinh khối bằng cách nâng cao hiệu suất. Chúng tôi khuyến khích các nhà máy này sử dụng các phụ phẩm sinh khối thay thế tại thời điểm ngoài vụ ép mía, vì lúc này các nhà máy thường dừng hoạt động. Nhìn chung, chúng tôi hỗ trợ để phát triển các dự án điện sinh khối khả thi về mặt tài chính và có thể nhận được vốn vay của ngân hàng”, bà Sonia Lioret cho biết.


Chia sẻ bài viết

Author:

Mong rằng những bài viết được viết và tổng hợp trên blog này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn. Chúc một ngày vui vẻ !

0 comments: