LNG - nguồn năng lượng sạch cho đất nước

Bài viết liên quan

LNG là gì?
LNG là viết tắt của Liquified Natural Gas – khí thiên nhiên hoá lỏng, dùng để chỉ một loại sản phẩm từ khí thiên nhiên truyền thống được làm lạnh đến mức hoá lỏng ở nhiệt độ -162 độ C. LNG tồn tại ở dạng lỏng, không màu, không mùi, không ăn mòn và không độc. Với cùng một khối lượng, thể tích của LNG chỉ bằng 1/600 lần so với thể tích của khí thiên nhiên ở trạng thái bình thường.



Các lợi ích của LNG
Sạch, thân thiện với môi trường: Khi tiếp xúc với môi trường, LNG nhanh chóng bốc hơi không để lại dư lượng trên mặt nước hoặc mặt đất. Vì vậy, các ảnh hưởng tác động đến môi trường sau sự cố tràn đổ LNG là không đáng kể, không yêu cầu phải có các biện pháp xử lý môi trường như sự cố tràn đổ các sản phẩm dầu khí khác. Thành phần có trong LNG chủ yếu là khí mêtan vì trong quá trình làm lạnh để sản xuất LNG, các thành phần hydrocarbon khác và tạp chất như: nước, nitơ, oxy, khí CO2, các hợp chất lưu huỳnh… sẽ dần được tách và loại bỏ. Vì vậy, khi cháy, khí thiên nhiên thải ra một lượng rất nhỏ sulfur dioxide (SO2) và nitơ oxit (NOx), hầu như không có tro bụi.

Than và dầu gồm có các phân tử phức tạp hơn, với tỷ lệ carbon cao hơn và hàm lượng nitơ và lưu huỳnh cao hơn. Điều này có nghĩa là khi đốt, than và dầu thải ra lượng phát thải độc hại cao hơn, bao gồm tỷ lệ phát thải CO2, NOx và SO2 cao hơn. Than và dầu nhiên liệu còn phát tán tro bụi vào môi trường, đó là các chất không cháy hết được đưa vào khí quyển và góp phần gây ô nhiễm. Như vậy có thể nói, khí thiên nhiên nói chung và LNG nói riêng là nhiên liệu hoá thạch sạch nhất, có thể được sử dụng theo nhiều cách để giúp giảm phát thải các chất ô nhiễm vào bầu khí quyển.

An toàn: Do thành phần chủ yếu là mêtan có tỉ trọng nhẹ hơn không khí nên khi LNG rò rỉ ra môi trường toàn bộ lượng khí sẽ bốc hơi lên cao, không tạo thành các đám mây khí dễ cháy lân cận khu vực rò rỉ như một số sản phẩm xăng dầu. Mặt khác, LNG chỉ bắt cháy khi có nguồn nhiệt cao hơn 537,7 độ C, trong khi xăng và dầu diesel có nhiệt độ bắt cháy thấp hơn nhiều.

Trữ lượng dồi dào: Trữ lượng dự trữ khí đốt thiên nhiên trên toàn thế giới lớn hơn rất nhiều so với trữ lượng dầu thô (nếu tính cả trữ lượng khí từ mỏ đá phiến thì trữ lượng khí thiên nhiên trên thế giới có thể sử dụng ước tính hơn 130 năm). Điều này làm cho giá LNG bớt phụ thuộc vào các nước sản xuất dầu.

Vận chuyển linh hoạt: LNG dễ vận chuyển như xăng hoặc dầu diesel, khác với việc vận chuyển khí thiên nhiên truyền thống phải phụ thuộc vào hệ thống đường ống dẫn khí. Cũng do đặc tính an toàn nên LNG có thể vận chuyển vượt đại dương bằng những tàu chở chuyên dụng tới 250.000 tấn. Ngoài ra, LNG còn có thể cung cấp cho các hộ tiêu thụ nằm xa hệ thống hạ tầng cung cấp khí thông qua các phương tiện vận tải nhỏ hơn như xe bồn, xà lan hoặc tàu hoả…

Hiệu quả kinh tế: Sử dụng LNG không chỉ mang lại nhiều lợi ích về môi trường mà còn tiết kiệm đáng kể về mặt kinh tế. Qua số liệu thống kê thực tế cho thấy, trong vòng 10 năm từ 2005 tới 2015, sản lượng LNG hàng năm trên thế giới đã tăng gấp đôi: từ 150 triệu tấn lên tới 300 triệu tấn. Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ trong khai thác và sản xuất khí từ đá phiến làm cho chi phí của khí thiên nhiên cũng như LNG ngày càng có ưu thế so với các nhiên liệu từ sản phẩm dầu mỏ. Đồng thời, khoa học công nghệ trong sản xuất LNG đã giúp định vị LNG như là một trong những loại nhiên liệu có chi phí sản xuất và vận chuyển rẻ nhất, so với các loại nhiên liệu hoá thạch khác.

Ở khía cạnh vận hành,các thiết bị sử dụng khí thiên thiên làm nhiên liệu có thể đạt hiệu suất cao hơn 3 - 5% so với sử dụng dầu nhiên liệu tương đương, đồng nghĩa với việc tiết kiệm chi phí khi sử dụng khí thiên nhiên.

Bức tranh về lĩnh vực LNG ở Việt Nam
Vài năm gần đây, giá dầu rơi xuống mức thấp. Các nguồn khí truyền thống khai thác trong nước chuẩn bị bước vào giai đoạn suy giảm và cạn kiệt, trong khi những nguồn mới bổ sung không thuận lợi về điều kiện khai thác, thương mại. Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGAS) là đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực công nghiệp khí tại Việt Nam đã sớm có những quyết định đột phá đặt nền móng cho lĩnh vực mới: nhập khẩu và phân phối LNG.

Năm 2016, PV GAS hợp tác với Tập đoàn Gazprom cho ra đời PVGAZPROM NGV nghiên cứu dự án “Sản xuất và sử dụng khí thiên nhiên cho giao thông vận tải (GTVT) trên lãnh thổ Việt Nam”. Hiện nay, PVGAZPROM NGV đang triển khai lập nghiên cứu khả thi cho dự án sản xuất, sử dụng khí thiên nhiên cho giao thông vận tải (GTVT), dự kiến dự án này sẽ được triển khai và đi vào hoạt động vào năm 2018, cung cấp khí thiên nhiên cho các phương tiện GTVT tại: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Tháng 8/2016, Công ty Cổ phần LNG VIETNAM do các đối tác gồm PV GAS, Bitexco và Tokyo Gas góp vốn chính thức thành lập với mục tiêu trở thành công ty tiên phong trong lĩnh vực LNG tại Việt Nam. Trước mắt, Công ty LNG VIETNAM sẽ tiếp nhận, xây dựng và vận hành dự án kho cảng LNG tại Thị Vải với công suất 1 triệu tấn năm để cung cấp khí cho các dự án điện Nhơn Trạch 3, 4 và các hộ tiêu thụ công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ. Dự kiến dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại vào năm 2022.

Hiện nay PV GAS cũng đang tập trung nguồn lực để chuẩn bị cho dự án kho LNG Sơn Mỹ với công suất 3 - 6 triệu tấn năm phục vụ cung cấp khí cho 3 nhà máy điện thuộc Dự án nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 dự kiến đưa vào vận hành lần lượt từ năm 2023, 2024 và 2025.

Tháng 1/2017, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam để thực hiện các mục tiêu về lĩnh vực công nghiệp khí trong Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, Chính phủ nêu ra một số quan điểm chủ đạo về phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam với nguyên tắc phát triển đồng bộ, hiệu quả ngành công nghiệp khí thông qua việc phát huy các nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đồng thời sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên trong nước, triển khai nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) song song với việc thu gom các nguồn khí mới trong nước, từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống kho chứa, nhập khẩu, phân phối LNG.

Như vậy có thể thấy LNG là xu thế tất yếu trong sự phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam và là nguồn năng lượng sạch cho đất nước trong thời gian không xa.


Chia sẻ bài viết

Author:

Mong rằng những bài viết được viết và tổng hợp trên blog này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn. Chúc một ngày vui vẻ !

0 comments: