VIỆT NAM đầu tư vào năng lượng từ ĐẠI DƯƠNG

Bài viết liên quan

Thế giới đang không ngừng tìm kiếm những nguồn năng lượng mới nhằm thay thế việc sử dụng than đá và các nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện. Nguồn điện năng được tạo ra từ năng lượng đại dương được kỳ vọng sẽ giải được bài toán khó trên. Là một quốc gia biển, Việt Nam có thể tận dụng nguồn năng lượng mới này như thế nào?


Đại dương thế giới được xem như một hệ động học, được đặc trưng bởi các quá trình vật lý và các tác động qua lại giữa các yếu tố như sóng biển, dòng chảy, thủy triều, sự chênh lệch nhiệt độ và độ muối nước biển. Các yếu tố động lực và quá trình đó đã cho biển và đại dương những nguồn năng lượng sạch và dồi dào mà người ta gọi chung là năng lượng biển. Các nhà khoa học dự tính toàn bộ năng lượng biển ước khoảng 152,8 tỷ kW.

Đánh thức nguồn năng lượng mới
Nguồn năng lượng từ biển đã được một số nước trên thế giới nghiên cứu đưa vào sử dụng từ nhiều năm trước.



Năm 1966, tại Pháp đã xây dựng một nhà máy điện thủy triều đầu tiên và cũng là lớn nhất trên thế giới ở thời điểm đó, với công suất 240 MW. Từ năm 1984, Canada vận hành một nhà máy 20 MW sản xuất
30 triệu kW điện một năm. Trung Quốc cũng là một nước rất quan tâm đến nguồn năng lượng sạch khi đầu tư 7 nhà máy điện thủy triều với tổng công suất 11 MW. Gần đây, Hàn Quốc tham gia vào khai thác sử dụng năng lượng thủy triều. Một nhà máy điện thủy triều ở Shiwa có công suất 254 MW được hoàn thành năm 2010. Nước này cũng đưa vào vận hành một nhà máy thủy triều lớn nhất thế giới tại
thành phố Incheon, có công suất 812 MW, với 32 tổ máy vào năm 2015

Hiện nay, có khoảng 100 công ty trên toàn thế giới đang nghiên cứu việc chuyển đổi năng lượng từ đại dương thành điện năng. Năng lượng từ đại dương có nhiều tiềm năng hơn năng lượng gió vì nước có tỷ trọng cao hơn không khí. “Nước nặng” được lấy từ trong một thùng nước biển, có năng lượng tương đương 400 thùng dầu mỏ tốt nhất. Theo những suy đoán ban đầu, năng lượng do nguồn nước biển vô tận sản sinh ra đủ dùng cho nhân loại trong hơn 1 tỷ năm. Ngay những con sóng, thủy triều, hải lưu... cũng đều có thể cung cấp cho nhân loại nguồn năng lượng cực lớn. Công nghệ sản xuất điện từ đại dương được chia thành 2 dạng chính là năng lượng thủy triều và năng lượng sóng.

Việt Nam có diện tích biển khoảng 1 triệu km2, trải dài 3.260 km dọc theo chiều dài đất nước là một yếu tố thuận lợi để phát triển năng lượng từ biển. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam có thể khai thác được nguồn năng lượng sạch từ biển khơi, nhiều gấp hơn 200 lần sản lượng
điện nhà máy thủy điện Sơn La đang khai thác và gấp 10 lần tổng công suất điện dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho toàn quốc vào năm 2020.



Giải pháp công nghệ giúp tăng khả năng cạnh tranh
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định, biển có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế.
Hiện nay, Hội đồng Khoa học ngành biển và Công nghệ biển đang tiến hành điều tra cơ bản nhằm đánh giá nguồn năng lượng biển. Nghiên cứu đánh thức tiềm năng từ biển là một hướng đi đúng đắn, nhất là khi nguồn năng lượng từ điện hạt nhân đang được quyết định tạm dừng lại.

Nó không chỉ giúp khai thác nguồn năng lượng to lớn từ biển mà còn đáp ứng được việc tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng nhu cầu điện năng vào khoảng 20%/năm.
Tuy nhiên, đầu tư khai thác điện từ năng lượng đại dương không hề đơn giản. Có nhiều nguyên nhân
gây gián đoạn quá trình sản xuất cần phải được giải quyết như:  Làm sao để ngăn ngừa nước biển làm biến dạng và ăn mòn máy móc; Làm sao kéo được hệ thống dây cáp ngầm dưới biển để truyền tải điện vào bờ; Làm sao cân đối tài chính khi mà các dự án này đòi hỏi thời gian nghiên cứu lâu dài và cần nhiều vốn. 

Để giải quyết được những vấn đề này, chi phí sản xuất điện từ năng lượng hải dương bị đẩy cao lên và
kém cạnh tranh so với các nguồn năng lượng thay thế khác. Muốn khai thác năng lượng đại dương chúng ta cần phải lựa chọn giải pháp công nghệ hợp lý.

Đầu tháng 10-2016, ông Philippe Rebboah Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Blue Shark Power
System đã sang Việt Nam để giới thiệu dự án Blue Shark Power System với công nghệ khắc phục
được những vấn đề tồn tại trong khai thác năng lượng đại dương truyền thống từ cả góc độ tối ưu hóa chi phí và tạo ra hệ sinh thái thân thiện, an toàn. Hệ thống GEM-BLUE SHARK POWER không có giới hạn độ sâu và tối đa hóa năng lượng thu từ một khoảng rộng của các địa điểm, bao gồm cả những khu vực khoảng thủy triều cao và những dòng không có trục xoay. Nó hoạt động như một con diều có thể thu được những nguồn có sẵn tốt nhất của các dòng chảy.

Hệ thống này luôn có thể tự điều chỉnh trực tiếp vào dòng chảy, tối đa hóa khu vực cánh chèo hướng đến dòng chảy nhằm tối đa hóa việc tạo năng lượng. Điều này đồng thời cũng đảm bảo việc kéo và tải được giảm thiểu tối đa. Trong thực tế, đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay cạnh tranh được với các nhà cung cấp giải pháp sản xuất năng lượng điện từ đại dương khác.

Ông Philippe Rebboah cho biết, hiện nay, Blue Shark Power System là công nghệ duy nhất đem lại hiệu
quả cao, bảo hành chi phí thấp, dễ vận hành và 100% thân thiện môi trường, khác với những công nghệ
hiện nay vừa phức tạp vừa đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu và chi phí bảo hành cao. Sau khi hoàn thành dự án sản xuất điện bằng công nghệ mới GEM-BLUE SHARK POWER SYSTEM với công suất 50MW dự kiến đặt ở miền Nam Việt Nam, Công ty Blue Shark Power System sẽ xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp ở Việt Nam để cung cấp cho cả Châu Á. Dự kiến, Blue Shark Power System sẽ hợp tác với 2 Công ty Nhật Bản và Canada xây dựng hệ thông lưu điện để phân phối 100% thời gian (24 giờ).

Việt Nam quyết tâm đầu tư vào năng lượng đại dương, đó là một hướng đi mới, đòi hỏi tầm nhìn chiến
lược, sự sáng suốt trong lựa chọn công nghệ. Nhưng đã đến lúc một quốc gia biển như chúng ta không
thể đứng bên ngoài một thị trường hứa hẹn sẽ cạnh tranh sôi động – sản xuất điện năng từ đại dương.


Chia sẻ bài viết

Author:

Mong rằng những bài viết được viết và tổng hợp trên blog này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn. Chúc một ngày vui vẻ !

0 comments: