Ước tính công suất nguồn điện năng lượng tái tạo cần xây dựng để thực hiện cam kết cắt giảm khí thải nhà kính của Việt Nam tại COP21

Bài viết liên quan

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đối khí hậu lần thứ 21 (COP21) Việt Nam cam kết vào năm 2030 sẽ cắt giảm lượng khí nhà kính là 8% của tổng lượng phát thải khí nhà kính đối với kịch bản phát triển cơ sở và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Một trong các giải pháp quan trọng nhất để thực hiện cam kết nói trên là phát triển sử dụng các nguồn và công nghệ năng lượng tái tạo. Bài viết này cho một ước tính về công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo cần phải xây dựng để có thể đạt được mục tiêu cắt giảm 8% lượng khí nhà kính (KNK) vào năm 2030.





1. Dự báo phát thải KNK đến 2030
Theo kết quả kiểm kê KNK trong các năm 2010, 2013 và 2014 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, các nguồn phát thải và hấp thụ KNK ở Việt Nam phát sinh từ 5 lĩnh vực chính là: (1) Năng lượng; (2) Các quá trình sản xuất công nghiệp (IPPU); (3) Nông nghiệp; (4) Sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) và (5) Chất thải. Trong các lĩnh vực trên chỉ có lĩnh vực LULUCF là hấp thụ KNK, còn lại đều là các lĩnh vực phát thải KNK, trong đó năng lượng là lĩnh vực phát thải lớn nhất, chiếm tỷ lệ rất cao, trên 60% tổng lượng phát thải quốc gia (bảng 1). Như ta thấy, lượng phát thải KNK ở Việt Nam liên tục tăng lên với tốc độ từ 4%/năm đến 5%/năm. Đặc biệt, tỷ lệ lượng phát thải KNK do lĩnh vực năng lượng tạo ra rất lớn, từ 60% năm 2014 tăng lên 63,8%, 67,4% và 72,4% so với tổng phát thải vào các năm 2020, 2025 và 2030. Vì vậy, việc cắt giảm phát thải KNK trước hết cần tập trung vào lĩnh vực năng lượng.


Về con số tuyệt đối, đến năm 2030, tổng phát thải KNK (có LULUCF) là 888,9 triệu tấn CO2 tđ, trong đó lượng phát thải do lĩnh vực năng lượng tạo ra là 643,2 triệu tấn CO2 tđ. Theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP21 Paris, đến năm 2030, chúng ta sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải so với kịch bản phát triển thông thường chỉ với nguồn lực trong nước. Điều này có nghĩa là, đến năm 2030, lượng tổng phát thải và lượng phát thải KNK đối với lĩnh vực năng lượng phải cắt giảm tương ứng là 71 triệu tấn và 51,5 triệu tấn.

2. Các giải pháp cắt giảm KNK
Các giải pháp để thực hiện cắt giảm KNK được đề ra trong các báo cáo NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định) của Việt Nam bao gồm:

1) Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng hay tiết kiệm năng lượng.
2) Tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng.
3) Thay đổi cơ cấu năng lượng trong công nghiệp và giao thông vận tải. Ngoài ra, còn có các giải pháp khác như: (i) Giảm nhẹ phát thải KNK thông qua phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; (ii) Quản lý và phát triển rừng bền vững, tăng hấp thụ CO2 và dịch vụ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển kinh tế; (iii) Quản lý chất thải.

Các giải pháp số 1) đến 3) trực tiếp liên quan đến lĩnh vực năng lượng. Dưới đây thử ước tính công suất điện NLTT cần phát triển đến năm 2030 để đáp ứng yêu cầu cắt giảm 8% KNK mà Việt Nam đã cam kết tại COP21 đối với lĩnh vực năng lượng.

3. Ước tính công suất NLTT cần lắp đặt
3.1. Cơ sở ước tính
Như đã nói ở trên, để cắt giảm 8% lượng KNK của lĩnh vực năng lượng vào năm 2030 thì cần phải cắt giảm 51,5 triệu tấn CO2 tương đương. Ta giả thiết rằng, để cắt giảm lượng phát thải KNK này, cần sử dụng đồng thời 3 giải pháp về năng lượng. Tùy thuộc vào đặc điểm, khả năng của mỗi giải pháp mà sự đóng góp tiềm năng cắt giảm KNK của chúng khác nhau. Trên cơ sở phân tích khả năng thực tế của từng giải pháp, chúng tôi đề nghị tỷ trọng cắt giảm KNK của các giải pháp năng lượng như sau:

(1) Giải pháp tiết kiệm năng lượng đóng góp cắt giảm 15% lượng KNK, tương ứng cắt giảm 4,12 triệu tấn CO2 tđ trong tổng số 51,5 triệu tấn CO2 tđ đối với lĩnh vực năng lượng;
(2) Giải pháp thay đổi cơ cấu năng lượng trong công nghiệp và giao thông vận tải: cắt giảm 5%, tương ứng cắt giảm 2,575 triệu tấn CO2 tđ;
(3) Giải pháp sử dụng các nguồn NLTT: cắt giảm 80%, tương ứng cắt giảm 41,2 triệu tấn CO2 tđ ; Với Hệ số phát thải CO2 trung bình K = 0,62kg CO2/kWh, có thể tính được lượng điện năng từ các công nghệ NLTT cần được sản xuất ra trong năm 2030 để cắt giảm được các lượng KNK nói trên.

3.2. Ước tính công suất NLTT phải lắp đặt năm 2030
Như thấy trên bảng 2, tổng điện năng các nguồn điện NLTT cần sản xuất trong năm 2030 phải là 66.451.613 MWh hay khoảng 66,452 tỷ kWh.


Đối với các nguồn và công nghệ NLTT, với điều kiện Việt Nam, vào năm 2030, các nguồn và công nghệ NLTT có thể tham gia vào sản xuất điện năng sẽ gồm: điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối và thủy điện nhỏ. Dựa trên tiềm năng thực tế ở Việt Nam, tính kinh tế của các công nghệ NLTT hiện nay, cơ cấu các loại nguồn điện NLTT nói trên được kiến nghị như sau: (1) Điện mặt trời: 52% ; (2) Điện gió: 25% và (3) Thủy điện nhỏ và điện sinh khối: 23% (bảng 3). Mỗi loại công nghệ này lại có hệ số công suất riêng, phụ thuộc vào tiềm năng nguồn NLTT tương ứng, loại công nghệ và đặc điểm tự nhiên ở Việt nam, như được cho trong bảng 3.

Từ các số liệu này ta có thể tính ra lượng điện năng các loại nguồn NLTT phải sản xuất ra (MWh), số giờ vận hành đầy công suất hàng năm và do đó tính được công suất các loại nguồn cần lắp đặt và vận hành đến năm 2030 (bảng 3).

Theo đó, đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện NLTT cần lắp đặt, vận hành là 39.329 MW, trong đó Điện mặt trời: 28.176 MW; Điện gió: 8.245 MW và Thủy điện nhỏ và Điện sinh khối là 2.908 MW. 3.3. So sánh với các chỉ tiêu của Quy hoạch phát triển Điện VII (Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030).


Theo Quy hoạch điện VII thì đến năm 2030, tổng công suất Điện mặt trời, Điện gió và Thủy điện nhỏ, điện sinh khối là 27.195 MW, trong đó: Điện mặt trời: 12.000 MW; Điện gió: 6.000 MW và Thủy điện + điện sinh khối là 9.195 MW. Như vậy, tổng công suất ước tính trong bài viết này lớn hơn tổng công suất của Quy hoạch điện VII là 12.134 MW. Sự chênh lệch đối với từng loại công nghệ NLTT được cho trên hình 1, trong đó, công suất điện mặt trời và điện gió vào năm 2030 theo ước tính lớn hơn 2,3 lần và 1,4 lần so với các chỉ tiêu tương ứng của Quy hoạch điện VII. Riêng đối với điện sinh khối và thủy điện nhỏ, kết quả ước tính thấp hơn chỉ tiêu của Quy hoạch điện VII là 6.287 MW. Mặc dù chỉ là ước tính, tuy nhiên sự ước tính này dựa trên các cơ sở thực tế về tiềm năng các nguồn NLTT, về sự tiến bộ của các công nghệ NLTT và có tính đến sự dịch chuyển kinh tế, xã hội… của nước ta, nên chúng tôi cho rằng các kết quả ước tính là khá tin cậy và khách quan, là các kết quả nên nghiêm túc tham khảo.

4. Kết luận
Kết quả ước tính cho thấy, để đạt được mục tiêu cắt giảm tối thiểu 8% lượng KNK đến năm 2030 như cam kết của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế thì riêng về lĩnh vực năng lượng, cần phải đầu tư phát triển mạnh hơn các nguồn điện NLTT, đặc biệt là nguồn điện mặt trời, so với các chỉ tiêu đã được đề ra theo Quy hoạch phát triển điện VII. Nói riêng, trong quá trình nghiên cứu xây dựng Quy hoạch phát triển điện VIII cần nâng các chỉ tiêu nguồn điện NLTT nói chung và điện mặt trời nói riêng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về cắt giảm KNK, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của các hiện tượng biến đổi khí hậu.

Tác giả: PGS. TS. ĐẶNG ĐÌNH THỐNG
Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam (VCEA)


Chia sẻ bài viết

Author:

Mong rằng những bài viết được viết và tổng hợp trên blog này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn. Chúc một ngày vui vẻ !

0 comments: