Thuật ngữ “công nghệ nano” không còn xa lạ gì trên thế giới, nhưng mới rộ lên ở Việt Nam trong những năm gần đây. Ngoài những ứng dụng trong y học, vật liệu điện tử, xây dựng, năng lượng... công nghệ nano trong nông nghiệp hiện đang là hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam với nhiều ứng dụng mang tính thực tế.
Những “con số biết nói” và mối nguy tiềm tàng
Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 10,2 triệu hạ đất sản xuất nông nghiệp, hằng năm sử dụng 10 - 11 triệu tấn phân bón các loại. Ngoài ra, lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học sử dụng ở nước ta liên tục gia tăng. Theo đó, số loại thuốc BVTV đăng ký sử dụng cũng tăng nhanh, lên tới 1.000 loại trong khi các nước trong khu vực chỉ 400 - 600 loại. Việt Nam cũng thuộc top đầu các nước sử dụng nhiều thuốc BVTV hóa học nhất thế giới.
Bên cạnh đó, tư duy và tập quán sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, thiếu sót trong việc sử dụng bừa bãi thuốc BVTV. Những nguy cơ gây hại tiềm tàng có thể do sử dụng quá liều lượng, thiếu hiểu biết về kỹ thuật, sử dụng thuốc BVTV không tuân thủ thời gian cách lỵ, coi trọng lợi ích lợi nhuận hơn tác động xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng... Hệ quả, nông sản sau thu hoạch không đảm bảo các tiêu chỉ an toàn cần thiết do còn tồn dư các tạp chất có thể gây ngộ độc như dư lượng NO3-, kim loại nặng, vi sinh... gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Thực phẩm kém chất lượng, dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản thực phẩm vượt ngưỡng đang là những vấn đề nhức nhối trong thời gian dài. Việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV “vô tội vạ” cũng gián tiếp gây hại cho nền kinh tế, khi nông sản tồn dư thuốc BVTV không đảm bảo đủ tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật hay các nước châu Âu...
Chưa kể, các tác nhân hóa học trong nông nghiệp khi sử dụng không đúng cách sẽ gây ra mối nguy hại đe dọa đến môi trường, lượng tồn dư có thể gây ô nhiễm môi trường đất và nước, làm mất cân bằng hệ sinh thái. Đứng trước thực trạng này, ngành nông nghiệp cần phải có bước chuyển mình để bắt kịp công nghệ hiện đại trên thế giới, thay đổi tư duy manh mún, nhỏ lẻ dể hướng tới phát triển cung cấp nông sản không chỉ an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn thân thiện với môi trường.
Bước chuyển mình theo xu thế
Trong thập niên vừa qua, nhiều thí nghiệm trên thế giới đã được tiến hành để đánh giá ảnh hưởng của công nghệ nano và chứng minh tính hiệu quả vượt trội của công nghệ này so với các công nghệ vật chất thông thường. Các hạt nano là những hạt chất rắn có đường kính từ 1 - 100nm. Hiện nay, công nghệ nano được ứng dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau như năng lượng, điện tử, vật liệu xây dựng, y tế và ngành nông nghiệp...
Công nghệ nano bắt đầu phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm gần đây. Mặc dù còn khá mới mẻ nhưng công nghệ này đã nhanh chóng chứng minh được tính ưu việt cũng như sức hút trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhà nước cũng đã dành một khoản ngân sách khá lớn cho chương trình nghiên cứu công nghệ nano cấp quốc gia với sự tham gia của nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trên cả nước.
Không nằm ngoài xu thế, ngành nông nghiệp cũng đang có những bước chuyển mình để tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, các đề tài nghiên cứu về công nghệ nano có phần hạn chế hơn các lĩnh vực khác, số lượng đề tài công bố chưa được nhiều và các nghiên cứu riêng lẻ còn mang tính chất tự phát.
Nhiều nhất có thể kể đến là ứng dụng nghiên cứu và sản xuất hạt nano bạc khử trùng nước trong ao, hồ nuôi thủy sản. Các đề tài, dự án nghiên cứu về ứng dụng công nghệ nano trong trồng trọt và chăn nuôi hiện nay tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam được thực hiện trên nền tảng kiến thức của các ngành hóa học, sinh học, khoa học vật liệu. Một số đề tài nghiên cứu về phân bón nano kết hợp với các hạt nano phòng trị bệnh tổng hợp được ứng dụng trong chăm sóc cây ăn quả đặc sản với công dụng toàn diện như chống mưa acid và hạn chế rụng hoa - quả sinh lý trên cây ăn quả nói chung và cây có múi nói riêng đã đạt được những thành tựu nhất định và đã được bà con một số tỉnh ứng dụng thành công trong các năm 2015 - 2018 (Viện Chiếu xạ hiểm phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Nanotech Hà Nội).
Theo nhiều nghiên cứu, các hạt nano có tiềm năng ứng dụng rất cao trong nông nghiệp, mang tính thực tế và phần nào đã giải quyết được những khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Có thể kể đến các ứng dụng của công nghệ nano trong trồng trọt gồm:
+ Xử lý hạt giống, cải thiện tốc độ nảy mầm và thúc đẩy sinh trưởng phát triển của thân mầm và rễ mầm, tiêu diệt nấm và vi khuẩn tồn dư trên hạt giống, loại bỏ mầm bệnh ngay từ giai đoạn cây giống. Nâng cao chất lượng và năng suất nông sản sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản nông sản.
+ Ứng dụng làm phân bón lá nano bao gồm các nguyên tố đa trung vi lượng thiết yếu cho cây trồng qua từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây. Nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm chi phí thuốc BVTV bằng cách phát triển phương pháp vận chuyển tới đích đối với dưỡng chất và thuốc đặc trị bệnh (nano hướng đích)...
+ Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón NPK bằng cách ứng dụng phân bón nhả chậm có kiểm soát.
Tóm lại, tiềm năng ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp tại Việt Nam rất lớn, nhưng hiện nay mới đang ở giai đoạn phát triển, các đề tài nghiên cứu còn nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư dài hạn. Hơn nữa, sự phổ biến và hiểu biết về công nghệ nano của bà con các tỉnh chưa nhiều nên việc phát triển các ứng dụng nano trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nếu có sự đầu tư đúng hướng, phù hợp, có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước – nhà khoa học và nông dân thì trong những năm tới công nghệ nano sẽ là xu thế phát triển của nông nghiệp sạch tại Việt Nam,
ThS PHẠM CÔNG KHẢI
(Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Nanotech)
0 comments: